MÁCH BẠN CÁC MẸO NHỎ GIỮ ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA LA BÀN TỪ.
Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh
Trên buồng lái của một con tàu hiện đại có quá nhiều trang bị tiên tiến trong đó có la bàn con quay phục vụ cho việc chỉ hướng trên biển. Không có la bàn con quay thì các thiết bị như ra đa , ECDIS … đều bó tay. Nhưng la bàn con quay đôi khi cũng không tránh khỏi trục trặc nhất là khi có sự cố mất điện trên tàu. Những thời khắc đó chỉ có thể trong cậy vào la bàn từ, cho nên việc chăm sóc bảo dưỡng thiết bị truyền thống này là không thể sao lãng. La bàn từ là phương tiện chỉ hướng đáng tin cậy để đối chiếu so sánh các phương tiện chỉ hướng khác. La bàn từ lắp trên nóc buồng lái có gương phản chiếu cho thủy thủ lái nhìn thấy để đối chiếu so sánh.
Hàng hải dù hiện đại cũng không thể bỏ qua việc xác định độ lệch la bàn từ và bão dưỡng nó. Cách khữ độ lệch la bàn từ thường do chuyên viên chuyên trách hoặc thuyền trưởng tiến hành. Dưới đây tôi chỉ hướng dẫn vài cách giữ gìn độ chính xác của la bàn từ mà sĩ quan boong có thể thực hiện.
1. Cách khử bọt khí trong chậu la bàn từ:
1) Bọt khí trong chậu la bàn từ ảnh hưởng đến độ chính xác đối với hướng đi của tàu và hướng ngắm
của la bàn, cho nên nếu xuất hiện bọt khí trong chậu la bàn cần phải khử bỏ. Cách làm đơn giản như sau, đặt nghiêng chậu la bàn sao cho lỗ thông chậu la bàn (nằm dưới đáy) xoay lên trên, dùng tuốc-nơ-vít mở nắp lỗ, lắc nhẹ chậu la bàn cho bọt khí trong chậu thoát ra lỗ thông, sau đó cho thêm dung dịch vào cho đầy chậu rồi đóng nắp lỗ.
Dung dịch của la bàn gồm 45% cồn và 55% nước cất. Cồn trong dung dịch chứa trong chậu la bàn có tác dụng chống đóng băng khi tàu hoạt động ở vùng lạnh, vùng vĩ độ cao. Nước cất có tác dụng ngăn cản sự bốc hơi của cồn ở vùng ấm.
Trước khi cho thêm dung dịch vào, để đảm bảo dung dịch cũ không bị hư, cần phải rút một ít dung dịch cũ ra trộn với dung dịch mới trên một dụng cụ riêng biệt, nếu sau khi trộn mà nước vẫn trong không bị vẩn đục, không biến màu thế là tốt, và có thể cho thêm dung dịch mới vào chậu.
2) Trong các la bàn từ loại cũ, dung dịch chứa trong chậu là dung dịch cồn và nước cất, thông thường gồm một phần cồn và hai phần nước cất. Các loại la bàn từ hiện đại thường dùng dung dịch dầu loảng lấy từ chất gọi là “bayol”.
2. Cách thử độ nhạy của la bàn từ
1) Khi tàu cặp cầu cố định, chọn thời điểm các thiết bị trên tàu và các thiết bị cơ giới trên bờ ở gần tàu không hoạt động, ghi lại chính xác hướng đi la bàn trên vạch chuẩn của la bàn.
2) Dùng một thỏi nam châm nhỏ đưa vào gần chậu la bàn để hút kim nam châm la bàn (đĩa la bàn) lệch khỏi vị trí ổn định của nó về phía trái hoặc phía phải độ chừng 2 đến 3 độ, sau đó đưa thỏi nam châm ra xa, quan sát xem đĩa la bàn có trở về lại vị trí cũ không, khi nó trở về vị trí ổn định thì độ lệch cho phép không quá 0,2 độ so với vị trí ban đầu. Nói cách khác, nếu hướng đi sau khi đưa thỏi nam châm ra xa không phù hợp với hướng đi ghi lại trước đó, lệch quá 0,2 độ, thì có nghĩa là độ nhạy của la bàn kém, có thể là bệ đỡ của đĩa có ma sát lớn. Cần khắc phục.